Bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, bức tranh văn hóa truyền thống của tỉnh Cao Bằng vô cùng phong phú và đa màu sắc với nhiều dân tộc cùng bề dày lịch sử truyền thống. Với sự nỗ lực của Bảo tàng tỉnh, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển và con người Cao Bằng, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh vô cùng phong phú, đa đạng và đặc sắc. Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, Cao Bằng hiện có trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và tư liệu hóa; 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về di sản vật thể, hiện có 2 bảo vật quốc gia, 98 di tích đã được xếp hạng các cấp (3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh). Số lượng hiện vật lưu giữ tại kho Bảo tàng tỉnh là 16.240 đơn vị hiện vật, với nhiều chất liệu, tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử.
Tại tỉnh Cao Bằng cũng như cả nước nói chung, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng chính là đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh cùng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu có hiệu quả cho ngành, cho tỉnh trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Các di sản như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, lễ hội dân gian truyền thống... thường xuyên được quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả bằng nhiều hình thức như: kiểm kê, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề án, dự án bảo tồn, xây dựng thôn bản văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng... Bên cạnh đó, các di tích lịch sử được quan tâm nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng các cấp và xây dựng các dự án trùng tu, tôn tạo.
Tiết mục Trình diễn di sản thực hành Then trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 do Bảo tàng tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức
Từ năm 2022 đến nay, nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai. Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, hát sli, lượn trong các lễ hội huyện Trùng Khánh; xây dựng kịch bản nâng cao Lễ hội Miếu Long Vương, xã Đoài Dương (Trùng Khánh) phục vụ phát triển du lịch. Hiện đơn vị đang khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu di sản văn hóa truyền thống dân tộc Dao và người Nùng Vẻn; nghiên cứu lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia các di sản: Kỹ thuật chế tác đàn tính của người Tày, Tết rằm tháng Bảy của người Tày, Nùng Cao Bằng; vẽ tranh thờ của người Dao. Tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện “Đề án bảo vệ và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, di sản sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng” năm 2022, 2023 và giai đoạn 2023 - 2025. Trực tiếp xây dựng mô hình thí điểm bảo tồn di sản Then gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố; tổ chức lớp truyền dạy hát Then - đàn tính tại huyện Trùng Khánh và hỗ trợ mô hình điểm bảo tồn di sản Then tại huyện Hòa An...
Đồng thời, với chức năng là cơ quan nghiên cứu, đơn vị thường xuyên, tích cực tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; sưu tầm những hiện vật có giá trị về văn hóa dân tộc, nghề truyền thống, kỷ vật kháng chiến… bổ sung kho hiện vật làm cơ sở cho dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh đang triển khai. Bảo tàng tỉnh không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị di sản văn hóa của tỉnh mà còn là địa chỉ tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ về truyền thống cách mạng, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là điểm đến, công trình văn hóa tiêu biểu để du khách tham quan cùng ôn lại lịch sử, là tiền đề hướng đến tương lai, thúc đẩy phát triển du lịch. Do đó, đơn vị chủ động lập danh mục hiện vật phục vụ công tác trưng bày Bảo tàng tỉnh; tiến hành sưu tầm bổ sung hiện vật, đề xuất các giải pháp, các ý tưởng trưng bày để giúp đơn vị tư vấn thiết kế bảo tàng vừa hiện đại, vừa thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Cao Bằng.
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ngô Thị Cẩm Châu, để nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường phổ biến pháp luật, trang bị cho các chủ thể văn hóa những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, các nguyên tắc ứng xử với di sản để góp phần khắc phục tình trạng thương mại hóa, làm mất tính thiêng của các di sản văn hóa gắn với tín ngưỡng. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học cho các di sản, làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Phân bổ hợp lý và quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Xuân Thương