Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ở địa bàn vùng sâu vùng xa, nơi người dân đang sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, TP Đà Nẵng đã Ban hành đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030”, đây là việc làm thiết thực nhằm “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Già làng là những người nắm giữ, truyền đạt văn hóa di sản đến người dân
Ưu tiên các nghệ nhân sống tại cộng đồng
Thành phố Đà Nẵng hiện có 1.198 người dân tộc Cơ tu sinh sống chủ yếu tại thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang. Điểm độc đáo của huyện Hòa Vang là có một thôn đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống lâu đời, đây cũng như một “bảo tàng sống” giới thiệu cho các nhà dân tộc học về sự phong phú văn hóa cộng đồng cũng như các sản phẩm rất riêng.
Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho rằng, văn hóa người Cơ tu hiện nay đang tiếp biến, tiếp nhận những yếu tố mới để làm giàu văn hóa của mình, loại bỏ dần những yếu tố không còn phù hợp. Bên cạnh những mặt đạt được cũng phải nhìn nhận nguy cơ thất truyền, mai một của các loại hình di sản văn hóa, phong tục, lễ hội trước áp lực của sự phát triển, hội nhập đang là thách thức lớn. “Già làng và những nghệ nhân là chủ thể trong công tác bảo tồn văn hóa Cơ tu, già làng với vai trò như một “bí thư” để truyền đạt, nhắc nhở đến người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của nhà nước. Trong những năm qua, việc bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ tu của huyện Hòa Vang nhờ vào đối tượng này là chính. Đây là những người trực tiếp trao truyền văn hóa cho thế hệ sau trong chương trình bảo tồn văn hóa”, ông Tân thông tin.
Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết, dựa trên nhiệm vụ UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt, các Sở, ban, ngành đã phối hợp khảo sát, đánh giá những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu để định hướng bảo tồn. Giải pháp là xây dựng nội dung, xuất bản sách, phim tư liệu, ấn phẩm về văn hóa truyền thống, dữ liệu hóa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của cộng đồng người Cơ tu bao gồm lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian, trang phục, nghệ thuật, ẩm thực, chữa bệnh.
Đà Nẵng cũng mở lớp dạy tiếng Cơ tu cho giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lớp dạy sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ tu, sưu tầm, cấp phát sách, ấn phẩm liên quan đến tiếng nói và chữ viết của người Cơ tu. Hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% học sinh và giáo viên người Cơ tu (2 bộ/năm). Chính quyền địa phương huyện Hòa Vang khuyến khích đồng bào dân tộc Cơ tu xây dựng nhà ở theo truyền thống hoặc theo mô-típ kiến trúc truyền thống Cơ tu, thực hiện quy định ngày học trong tuần học sinh người dân tộc Cơ tu mặc trang phục truyền thống.
Phát huy nét đặc trưng
“Trên thực tế, những điệu hát của người Cơ tu vẫn luôn được gìn giữ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong các dịp sự kiện, lễ hội, Tết, cưới hỏi, ma chay. Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề... Những điệu hát lý vẫn được cất lên trong không gian sinh hoạt chung tại nhà Gươl, hòa nhịp cùng “vũ điệu dâng trời” - Tung Tung Zá Zá, tiếng cồng chiêng, tiếng trống… của người Cơ tu. Để vừa phát triển du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, từ năm 2023 huyện Hòa Vang đã có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân trên địa bàn, trong đó tập trung vào nội dung dạy kỹ năng kể chuyện nguồn gốc văn hóa Cơ tu cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, chủ các homstay tại Tà Lang, Giàn Bí xây dựng chương trình kể câu chuyện văn hóa cho khách du lịch, bên cạnh đó còn có những lớp dạy hát, múa dân tộc Cơ tu thu hút nhiều bà con tham dự”, ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ.
Mang bản sắc của người dân tộc Cơ tu đã được khẳng định để vươn xa, tại một số chương trình, lễ hội của Đà Nẵng đã phỏng dựng không gian, tái hiện lại các nghề truyền thống như dệt vải, làm bánh, trình diễn ẩm thực, trang phục, điệu múa… truyền thống của người Cơ tu để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Là người thường xuyên tham gia biểu diễn các điệu múa Tung Tung Zá Zá tại các homestay, các chương trình lửa trại tại địa phương, chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang) mong muốn: “Truyền thống văn hóa phải được giữ gìn qua điệu múa, trang phục, lời hát, bảo vệ được văn hóa truyền thống sẽ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách, từ đó người dân địa phương sẽ có việc làm ổn định từ các hoạt động du lịch”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng nhìn nhận: “Trong hơn 15 năm qua, huyện Hòa Vang đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa người Cơ tu trên địa bàn huyện. Cộng đồng người Cơ tu cùng với chính quyền không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa dân tộc”.
Minh Châu