Trên địa bàn huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) có 45 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, tiêu biểu như: Chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ), Đền - Chùa Cự Trữ, Chùa Cổ Chất (xã Phương Định), địa điểm các đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), Chùa Ninh Cường (xã Trực Cường)... Theo thời gian, nhiều di tích trên địa bàn huyện có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng, phát huy giá trị giáo dục lịch sử - văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Toàn cảnh Chùa Cổ Lễ
Nhiều giải pháp bảo tồn
Hàng năm, UBND huyện đều hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích, đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ. Thị trấn Cổ Lễ và các xã: Trực Nội, Trung Đông, Liêm Hải, Trực Cường, Trực Tuấn, Trực Thuận, Việt Hùng… đã thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Chùa Cổ Lễ được nhân dân và khách thập phương mỗi năm đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, một số hạng mục công trình Chùa Cổ Lễ đã xuống cấp; đặc biệt, cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đã có hiện tượng lún, nghiêng và một số hạng mục khác bị hư hại. Trước hiện trạng đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cổ Lễ với kinh phí gần 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và từ nguồn xã hội hóa. Các hạng mục: Tu bổ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu được tu bổ, tôn tạo kịp thời đã bảo tồn được nguyên trạng kiến trúc di tích. Xã Trực Tuấn hiện có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: Đền - Chùa Nam Lạng và 2 Từ đường họ Ninh, họ Trần. Đền - Chùa Nam Lạng đã được trùng tu khuôn viên với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đền hiện vẫn giữ kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường 5 gian, chính tẩm 3 gian. Hệ thống 4 cột đá ở phía tường sau được chạm trổ công phu, phía trên chạm nổi hình rùa, ly đang tư thế chạy, chính giữa chạm rồng bay, phượng múa, nét chạm tinh xảo, uyển chuyển. Trên thành máng đá chạm rồng chầu mặt nguyệt. Xã Trực Cường có di tích lịch sử cấp quốc gia Chùa Ninh Cường, hàng năm xã đều tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của di tích, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương. Đến nay, Đền - Chùa Phúc Ninh đã được xây dựng mới nhà khách, đường vào di tích và các công trình phụ trợ với tổng giá trị hàng tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp. Cụm di tích lịch sử - văn hóa Đền - Chùa làng Sa Đê, xã Trực Nội được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn bảo lưu được một số hạng mục kiến trúc gốc như: Nghi môn, sân và đền. Ban quản lý cụm di tích đã vận động nhân dân và các dòng họ trùng tu, tôn tạo các hạng mục mở rộng diện tích cụm di tích, xây nhà tổ, khơi thông hai giếng cổ của đền - chùa với tổng kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Bên cạnh công tác huy động các nguồn lực bảo tồn di tích, Hội Sinh vật cảnh các xã, thị trấn đảm nhận trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Với các di tích là chùa, Ban đại diện Giáo hội Phật giáo huyện đã vận động tăng, ni, tín đồ, phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa. Đặc biệt, các chùa đã có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đồ thờ tự, vật thể quý hiếm như đăng ký với cơ quan pháp luật và phân công người trông coi, bảo vệ.
Phát huy hiệu quả di sản
Để khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương, những năm qua, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo các địa phương khôi phục, phát huy giá trị văn hóa các lễ hội truyền thống của quê hương. Tại các lễ hội truyền thống, nhiều hình thức diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian được duy trì, khôi phục như bơi chải, thổi cơm thi, bắt chạch trong chum ở lễ hội Chùa Cổ Lễ... Với những giá trị tiêu biểu, năm 2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 472/QĐ-BVHTTDL đưa “Lễ hội Chùa Cổ Lễ” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Đền - Chùa Linh Quang, xã Phương Định (được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020), tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm với điểm nhấn là nghi thức rước nước bằng đường thủy và đường bộ được người dân Phú Ninh khôi phục từ năm 1992. Lễ hội tại các xã Trực Cường, Trực Phú, Trực Thái, Trực Hùng cũng phát huy tốt vai trò của các đội múa, đội trắc, trống, kèn đồng trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết lương - giáo.
Nhiều năm qua, Phòng Văn hóa - Thể thao phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại Bảo tàng huyện và các di tích lịch sử - văn hóa. Theo đó, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội đều có sự tham gia của học sinh các trường học. Ở xã Phương Định, các trường tiểu học, THCS đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa tại các di tích: Đền - Chùa Cổ Chất, Đền - Chùa Cự Trữ, Đền - Chùa Văn Hiến, Đền - Chùa Lộ Xuyên. Các nhà trường thường xuyên tham dự lễ dâng hương cùng chính quyền và nhân dân địa phương nhân ngày mở hội truyền thống. Qua mỗi lần tham quan, học tập tại di tích nhân dịp lễ hội, các nhà trường cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử - văn hoá các di tích, cảm nhận về lễ hội quê hương, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Tại từ đường các dòng họ: Trần, Vũ, Phạm, Hoàng… xã Trực Cường, cứ vào ngày giỗ tổ, nhân dịp khai giảng, tổng kết năm học, con cháu trong các dòng họ dâng hương, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Ở thị trấn Cát Thành, tại các di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh là Đền - Chùa Hương Cát và Đền Nhất Cát Chử, Đền Trần, các nhà trường lại tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh khuôn viên.
Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các nội dung của Luật Di sản văn hóa trong nhân dân để huy động cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư