Du lịch Kiên Giang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đóng góp tăng trưởng chung của tỉnh. Tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh.
Theo Sở Du lịch, du lịch Kiên Giang phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Du lịch tỉnh dần định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới khi được nhiều tổ chức, tạp chí du lịch uy tín đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách. “Tại quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong cực tăng trưởng quốc gia khu vực phía Nam, khu vực động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển; trong đó, TP. Phú Quốc là 1 trong 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, TP. Hà Tiên là một trong những điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia... Cùng với các tỉnh, thành phố, du lịch Kiên Giang góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”, đồng chí Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch cho biết.
Xác định tầm quan trọng của ngành du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 19/3/2024 về đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch. Chỉ thị xác định rõ vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng và ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh…
Theo UBND tỉnh, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá; xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết vùng, các địa phương trong, ngoài nước để hình thành một cung đường nhiều điểm đến; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường chuyển đổi số và quản lý nhà nước về du lịch… Tỉnh khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với sản phẩm du lịch sáng tạo để thu hút và giữ chân du khách; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch ban đêm tại các khu vực tập trung đông du khách.
Mới đây, tại hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm, tổng lượt du khách đến tỉnh ta ước trên 5,4 triệu lượt, đạt 59,2% kế hoạch năm 2024; trong đó du khách quốc tế ước đón trên 508.000 lượt, đạt 74,8% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.394 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch và 67% kịch bản.
Đồng chí Lâm Minh Thành chỉ đạo ngành du lịch tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, mở rộng thị trường du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 05/10/2004 phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, cảng hàng không, cảng biển. Phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch y tế...; xây dựng Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Toàn tỉnh thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với quy mô 9.993ha, tổng vốn đầu tư 408.178 tỷ đồng; trong đó có 78 dự án đã hoạt động, với tổng quy mô 1.321ha và tổng vốn đầu tư 18.344 tỷ đồng; 85 dự án đang xây dựng, quy mô 4.512ha, tổng vốn đầu tư 228.716 tỷ đồng; 154 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, với 4.160ha, tổng vốn 161.117 tỷ đồng.../. |
Trung Hiếu