Việc thành phố Hà Nội ban hành Quy định quản lý và khai thác hồ Tây góp phần tạo đà phát triển du lịch quận Tây Hồ - địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, di sản và nghề truyền thống. Tuy nhiên, để du lịch phát triển xứng tầm, quận Tây Hồ vẫn cần xây dựng, điều chỉnh nhiều chính sách phát triển.
Nghề ướp trà sen đã góp phần làm nên thương hiệu du lịch quận Tây Hồ.
Toàn bộ địa giới hành chính của quận Tây Hồ ôm trọn lấy hồ Tây. Thắng cảnh này có diện tích khoảng 526 ha, bao quanh là những làng nghề truyền thống, làng hoa nổi tiếng như: Đào Nhật Tân, Phú Thượng; quất cảnh Tứ Liên; xôi Phú Thượng, Quảng An với nghề ướp trà sen...
Đó là lợi thế đặc biệt của quận Tây Hồ trong phát triển du lịch, dịch vụ. Quận còn có hệ thống 71 di tích, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng và 29 di tích trong danh mục kiểm kê, quản lý. Nhiều di tích, danh thắng nằm trong các tour du lịch của Hà Nội, như: chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên...
Về di sản văn hóa phi vật thể, Hội thề Đồng Cổ tổ chức tại đền Đồng Cổ, phường Thụy Khuê đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu vực hồ Tây với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc cùng cảnh sắc thiên nhiên đẹp là điểm đến được rất nhiều du khách yêu thích, nhất là khách quốc tế.
Đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch quận Tây Hồ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Khu vực chung quanh hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống, với đậm đặc các công trình di tích lịch sử có giá trị, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ được thành phố quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị của hồ Tây, đưa khu vực này trở thành một danh thắng nổi bật của Thủ đô”.
Trước đây, việc khai thác, phát huy của hồ Tây để phát triển du lịch gặp không ít khó khăn. Nhưng hiện tại, với việc thành phố ban hành Quy định quản lý và khai thác hồ Tây, khu vực hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động.
Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống.
Để khai thác các tiềm năng, lợi thế của các di tích, di sản, làng nghề của khu vực hồ Tây phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); đề án thưởng thức trà sen Quảng An; đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”; đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa”...
Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội, ngày 13/7 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã tổ chức hội nghị “Nâng cao chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển du lịch Tây Hồ. Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, quận Tây Hồ muốn phát triển du lịch thì cần bắt đầu bằng việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thật chỉn chu và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành.
Trong đó, chính quyền quận Tây Hồ cần kết nối các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích trên địa bàn quận với các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình City tour. Khi doanh nghiệp lữ hành, nhất là người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đà cho du lịch ngày càng phát triển.
Những ý kiến này được Sở Du lịch Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ ghi nhận để xây dựng, điều chỉnh chính sách phù hợp, nhằm đưa Tây Hồ phát triển xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của Thủ đô,
Bài và ảnh: Giang Nam