Trong mỗi chuyến đi, nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ là khám phá những điểm đến hấp dẫn hay trải nghiệm nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của vùng đất, con người bản địa mà còn muốn mua những món quà ý nghĩa về tặng người thân, bạn bè. Chính vì vậy, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đang tập trung phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm, đặc sản mang đặc trưng riêng để nâng cao hơn nữa doanh thu dịch vụ và tạo thêm điểm cộng với du khách.
Du khách trẻ thích thú chụp ảnh với chiếc nón lá mua tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Đa dạng quà lưu niệm
Với sự phát triển nhanh và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của du lịch, yêu cầu đặt ra cho các địa phương là phải không ngừng đa dạng hóa chất lượng sản phẩm du lịch. Sự đa dạng hóa ở đây không chỉ là việc đầu tư, chăm chút để tăng sức hấp dẫn của sản phẩm mà còn là đáp ứng tốt các thị hiếu của du khách tại một điểm đến, trong đó có nhu cầu mua sắm. Nắm bắt xu thế này, nhiều quầy hàng quà lưu niệm, đặc sản đã được hình thành tại các điểm du lịch trong tỉnh để phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, quầy quà lưu niệm Cậu Ba của chị Bùi Thị Thùy Trang đang trưng bày, giới thiệu các mặt hàng khá đa dạng. Chiếm số lượng nhiều nhất là những món quà lưu niệm như: bộ nhạc cụ đờn ca tài tử, mô hình xe của Công tử Bạc Liêu bằng gỗ, túi xách lục bình, những dụng cụ đánh bắt của nông dân miền Tây được làm từ tre; một số đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh như: muối, nước mắm, mắm chua, rượu Công tử Bạc Liêu…
Chị Thùy Trang - chủ quầy quà lưu niệm Cậu Ba, cho biết: “Là một người con của Bạc Liêu, tôi luôn mong muốn lan tỏa hình ảnh của quê hương mình đến với du khách. Do đó, tôi đã ký kết với các hợp tác xã đan đát, cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh để đưa những món quà, đặc sản mang thương hiệu Bạc Liêu đến với du khách. Đó cũng là một trong những cách thức để du khách nhớ nhiều, hiểu sâu hơn về Bạc Liêu”.
Lần đầu đến Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, chị Phạm Thị Xuân Hiền - Việt kiều Mỹ tỏ ra thích thú với những món quà lưu niệm được bày bán tại đây. Qua lời giới thiệu của người bán hàng, du khách này biết được nhiều nét văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu. Chị đã chọn mua bộ nhạc cụ đờn ca tài tử bằng gỗ và sẽ trưng tại nhà để lưu dấu việc đã từng đến một vùng đất giàu sức hút ở miền Tây.
Chị Thùy Trang - chủ quầy quà lưu niệm Cậu Ba (bên trái) giới thiệu các sản phẩm muối Bạc Liêu cho du khách. Ảnh: H.T
Khuyến khích sự sáng tạo
Mặc dù quà lưu niệm du lịch được bán ở Bạc Liêu khá đa dạng, nhưng trên thực tế chưa tạo ấn tượng mạnh với du khách, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Vì vậy, mới đây Sở VHTTDL đã triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi thiết kế quà tặng du lịch Bạc Liêu.
Theo thông tin ban đầu, cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề. Tác phẩm dự thi là mẫu thiết kế sản phẩm hoặc bộ sản phẩm hoàn chỉnh có tính thẩm mỹ cao, thể hiện hình ảnh nhận diện của du lịch Bạc Liêu như: các điểm du lịch tiêu biểu, các làng nghề, công trình kiến trúc, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Bên cạnh đó, thiết kế phải đảm bảo chất lượng, có độ bền cao, thân thiện với môi trường; dễ đóng gói, dễ vận chuyển và an toàn cho sức khỏe con người; phù hợp với việc sử dụng làm quà tặng lưu niệm du lịch. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 01/8 - 30/9. Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng nhân sự kiện Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu vào cuối năm 2024.
Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: “Cuộc thi nhằm tìm kiếm, lựa chọn mẫu thiết kế quà tặng lưu niệm du lịch mang dấu ấn đặc trưng về văn hóa, lịch sử và con người Bạc Liêu để sử dụng trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền, xúc tiến du lịch, các hoạt động trong nước và quốc tế của tỉnh. Đồng thời, phát huy khả năng sáng tạo của các tổ chức, cá nhân để góp phần làm phong phú bộ nhận diện hình ảnh, thương hiệu du lịch Bạc Liêu; thu hút du khách, kích cầu chi tiêu của khách du lịch khi đến Bạc Liêu”.
Hữu Thọ