Tình trạng hướng dẫn viên (HDV) du lịch nước ngoài hoạt động “chui” đang ngày càng nhiều tại Việt Nam và việc chấn chỉnh là câu chuyện không đơn giản.
Lỏng lẻo trong quản lý
Theo ông Trương Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Hanoi Star Tour, hiện tượng các HDV đi theo các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam (khách inbound) xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội, Quảng Ninh, TPHCM, Ninh Thuận… tập trung ở các thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.
Việc này không chỉ ảnh hưởng tới truyền thông về du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế mà cả quyền lợi, chất lượng dịch vụ.
Những HDV du lịch “chui” này chủ yếu là nhân viên của các công ty du lịch nước ngoài đi theo đoàn khách đến Việt Nam và phụ trách luôn từ A tới Z các dịch vụ phục vụ du khách từ đặt tour, dẫn đoàn, đặt nhà hàng, thuê xe, thuyết minh. Ngay cả các nhà hàng, khách sạn ăn uống nghỉ ngơi họ cũng chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ của người quốc gia đó mà Hàn Quốc là một trường hợp điển hình.
Ông Phạm Tiến Dzũng, Giám đốc lữ hành Golden tour, cho biết nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc gây sức ép với phía đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam là phải có HDV người Hàn Quốc họ mới mua tour hoặc đến điểm đến đó.
Cách kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch Hàn Quốc là họ đưa sang các nước một ekip đi cùng khách du lịch, từ thuê xe, thuê khách sạn, hướng dẫn viên và những điểm đến của khách, những nơi mua sắm.
Gần đây, câu chuyện nhiều tour du lịch khách Nga do người Nga tại Việt Nam bao thầu cũng là câu chuyện nhức nhối với Tổng cục Du lịch. Những người Nga sinh sống ở Việt Nam đã trực tiếp bắt mối với khách của các công ty du lịch trong nước hoặc với chính khách du lịch Nga. Họ tự tổ chức tour, dẫn đoàn, thuê xe, khách sạn, dịch vụ.
Tình trạng không quản lý được các HDV du lịch “chui” này vừa gây thất thu vừa không kiểm soát được chất lượng dịch vụ du lịch cũng như những thông tin về điểm đến, đất nước, con người Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh Việt Nam và dịch vụ du lịch Việt Nam.
Vướng mắc trong xử lý
Hiện nay, Luật Du lịch Việt Nam không cho phép HDV du lịch nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam nhưng lại không có chế tài cụ thể để xử lý.
Có những đoàn khách, thị trường khách sử dụng HDV chui tìm cách hợp thức hoá bằng cách thuê HDV Việt Nam đi cùng để đối phó khi bị kiểm tra, còn tác nghiệp trực tiếp vẫn là HDV nước ngoài.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm kiểm soát gắt gao lực lượng này. Một lý do khác là do hiện nay các thị trường du lịch mở rộng nhưng chúng ta lại chưa đáp ứng được đủ nhân lực hướng dẫn viên cho những thị trường này, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, Nga, Thái Lan…
Ví dụ như thị trường du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng HDV tiếng Hàn thiếu nhiều. Những người có nghiệp vụ du lịch được đào tạo bài bản thì lại không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. Những người có ngoại ngữ thì không được đào tạo về nghiệp vụ du lịch nên theo quy định của Luật Du lịch sẽ không được cấp thẻ hành nghề.
Ngoài HDV tiếng Anh, với một số ngôn ngữ như tiếng Thái Lan, Nhật Bản, Nga… hiện tại các khóa đào tạo về nghiệp vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Để chấn chỉnh tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng HDV du lịch chui, và sâu xa hơn là câu chuyện cung cấp đủ HDV cho các thị trường là câu chuyện không đơn giản và không thể làm ngay trong ngày một ngày hai.
Chế tài xử phạt chưa quy định trong Luật Du lịch, lực lượng thanh tra du lịch mỏng, cộng với những chiêu thức hoạt động tinh vi của các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đang là những rào cản không dễ gì vượt qua với cơ quan chức năng ngành du lịch.
Chưa kể, nếu có cấm được hoàn toàn lực lượng HDV trái phép này, thì sẽ có nhiều thị trường khách lớn như Hàn Quốc, Nga, Thái Lan không có đủ HDV dẫn đoàn. Câu chuyện nhân lực về cả số lượng và chất lượng hiện nay đang được coi là bài toán khó của ngành Du lịch Việt Nam.
Nguyệt Hà