Đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Cập nhật:08/02/2014 09:07:20
Từ bản chất toàn cầu hóa của ngành Du lịch, công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch cần có những tiếp cận theo hướng toàn cầu.  So với các ngành kinh tế và sản phẩm khác, hoạt động du lịch và các sản phẩm du lịch có bản chất toàn cầu hóa rất sâu sắc và rất sớm, thậm chí sớm hơn tất cả các ngành kinh tế khác. Ngành du lịch và hoạt động du lịch cũng được xem là nơi phản ảnh tương đối đầy đủ các đặc điểm, tính chất và phạm vi của toàn cầu hóa.

Đào tạo đội ngũ nhân lực giỏi và sử dụng thành thạo ngoại ngữ (chú ý các tiếng hiếm)

Điều quan trọng nhất trong tiêu chuẩn năng lực của một người làm du lịch trong thời đại toàn cầu hóa chính là trình độ ngoại ngữ. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc, đầu tiên và quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng (khi tuyển dụng) và quá trình làm việc lâu dài trong ngành Du lịch. Tất cả các bộ phận vận hành của hệ thống du lịch toàn cầu hiên nay đều cần có ngoại ngữ từ lễ tân, hướng dẫn viên, điều hành tour, đến buồng - phòng, bán hàng lưu niệm, bar, lái xe, bảo vệ, tạp vụ, đầu bếp... bởi tất cả các bộ phận này thường xuyên phải tiếp xúc với khách du lịch quốc tế, hoặc làm việc với nhiều nội dung liên quan đến người nước ngoài và tài liệu nước ngoài. Có thể nói, ngoại ngữ là một công cụ hữu hiệu để kết nối du lịch toàn cầu, làphương tiện để chuyển tải các giá trị, tiềm năng du lịch của một quốc gia đến thế giới một cách trọn vẹn và hiệu quản nhất. Các cơ sở đào tạo cần nắm được đặc điểm, yêu cầu này để định hướng trong xây dựng mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp, cần xem ngoại ngữ là nội dung chuyên ngành trong chương trình đào tạo nhân lực du lịch (hiện nay một số chương trình vẫn xem ngoại ngữ là môn cơ sở ngành). Trình độ và kỹ năng ngoại ngữ phải được xem là một tiêu chí, chuẩn trong đánh giá thực tập, thực hành và kỹ năng nghề nghiệp của ngành Du lịch. Cần phải tạo điều kiện nhiều hơn để sinh viên ngành Du lịch được tiếp cận, học tập, thực hành trong điều kiện có sự giao lưu, giao tiếp với người nước ngoài.


Ngắm san hô dưới đáy biển

Đào tạo những người làm “sứ giả văn hóa”

Người làm du lịch được xem là sứ giả văn hóa, “cầu nối” giữa các dân tộc và quốc gia. Thông qua các hoạt động, con đường du lịch có tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài, người làm du lịch phải là cầu nối, chuyển tải các giá trị văn hóa - hàng hóa của nước ta ra thế giới và có khả năng chọn lọc, tiếp nhận những giá trị văn hóa toàn cầu để bồi đắp, làm phong phú các giá trị văn hóa quốc gia. Mặt khác, người làm du lịch không thể chỉ biết văn hóa nước mình, mà phải biết văn hóa của các nước mới có khả năng kết nối các điểm du lịch, các đoàn khách trong tour - tuyến - điểm của công ty, hãng du lịch mình làm việc. Hiểu biết về văn hóa các nước trong hoạt động du lịch không chỉ để cạnh tranh mà còn để giới thiệu cho du khách trong các tour - tuyến - điểm du lịch của công ty mình, góp phần thuyết phục du khách tham gia các chương trình du lịch liên vùng - quốc gia - khu vực do công ty, doanh nghiệp mình đang thực hiện. Kiến thức của người làm du lịch có đặc trưng riêng so với các lĩnh vực khác. Các cơ sở đào tạo cần nắm được đặc điểm này để kiến trúc chương trình, định hướng đào tạo có tính toàn diện và thích ứng được với bối cảnh toàn cầu hóa. Việc thiết kế nội dung đào tạo phải theo hướng mở: buộc người học phải tiếp cận, tìm hiểu nghiên cứu văn hoá, tài nguyên, sản phẩm du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng trước hết, người làm du lịch trong nước phải có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, tài nguyên du lịch Việt Nam, xem đó như là nền tảng, yếu tố nội lực, là lợi thế khi hội nhập với thế giới.


Hướng dẫn viên đang hướng dẫn du khách tại Hội An

Mặt khác, những người làm du lịch là đại diện cho quốc gia khi tiếp xúc với người nước ngoài, là những người bảo vệ các giá trị Việt Nam trước những quan điểm sai trái. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch luôn tìm những cách thức khác nhau, trong đó có con đường du lịch và văn hóa để phá hoại hình ảnh và sự phát triển của Việt Nam. Do đó, người làm du lịch cần phải được đào tạo, trang bị, hình thành được bản lĩnh, lập trường trước các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia, dân tộc. Để làm được điều này, người học cần được định hướng, cung cấp thông tin, được bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường tốt nhất, người học cần được va chạm thực tiễn cuộc sống. Những nội dung này thường được các cơ sở đào tạo thực hiện thông qua các học phần chính trị, pháp luật. Nhưng điều quan trọng hơn, cần phải tạo ra sân chơi, các hoạt động ngoại khóa - ngoài giờ lên lớp với sự chủ công là các tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường.

Đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo các kỹ năng mềm

Nói đến toàn cầu hóa và hoạt động du lịch là nói đến đàm phán - hợp tác – cam kết - chia sẻ (đây là những kỹ năng đòi hỏi người lao động khi tham gia thị trường lao động toàn cầu và làm việc trong ngành Du lịch). Nếu trong hội nhập toàn cầu hóa, người lao động không có các kỹ năng trên chắc chắn mức độ thành công, hiệu quả sẽ không cao. Thực tiễn cho thấy, nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng đang thiếu những kỹ năng mềm. Kiến thức (lý thuyết, lý luận) có thể giỏi, nhưng kiến thức thực tiễn, kỹ năng diễn đạt, diễn thuyết, hợp tác làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng, làm việc dưới áp lực lớn, kỹ năng thực hành, làm việc theo quy trình còn hạn chế. Do đó, hiệu quả công việc chưa cao, mất đi nhiều cơ hội, không có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực nước ngoài (những vị trí quản lý, vị trí có thu nhập cao). Điều này xuất phát từ mô hình, mục tiêu và phương pháp đào tạo một số cơ sở đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành - kỹ năng, ít chú trọng hình thành các kỹ năng, nhất là các kỹ năng mềm, khi ra trường, người lao động thiếu kỹ năng, doanh nghiệp sử dụng phải mất thời gian đào tạo thêm (thậm chí là đào tạo lại). Do đó, công tác đào tạo nhân lực Du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần phải được đặt trong môi trường, điều kiện thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển chung của ngành và xã hội. Việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho người làm du lịch phải quan tâm đến các kỹ năng mềm (đàm phán - hợp tác - cam kết - chia sẻ) như một trong những mục tiêu và yêu cầu, chuẩn đầu ra. Người học phải được tham gia vào các hoạt động du lịch trên bàn ngay trong thời gian đào tạo tại trường. Các quy trình tổ chức, hình thức dạy và học, đánh giá sản phẩm đào tạo phải thay đổi theo hướng lấy yêu cầu thực tiễn làm tiêu chuẩn và có sự tham gia của các cơ sở sử dụng lao động du lịch cùng đánh giá.

Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hình thành những “công dân toàn cầu”

Người làm du lịch là một dạng của “công dân toàn cầu”, làm việc trong môi trường toàn cầu - có thể làm việc mọi nơi trên toàn cầu. Điều này xuất phát từ tính chất tour - tuyến - điểm, xuất phát từ tính chất liên kết, tính chất đa quốc gia, xuyên quốc gia của các công ty - hàng lữ hành du lịch. Nên khi tham gia vào hệ thống đó, người làm du lịch có thể thay đổi vị trí, nơi làm việc từ quốc gia này sang quốc gia khác. Để người học thích ứng được với những thay đổi đó một cách nhanh nhất, trong chiến lược đào tạo, các cơ sở đào tạo cần phải liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các quốc gia có trình độ giáo dục phát triển, có ngành đào tạo du lịch và ngành Du lịch phát triển giúp người học có điều kiện được học tập trong môi trường, nội dung, kỹ năng thực hành có tính toàn cầu, tính liên kết, hợp tác chặt chẽ. Đây là xu thế tất yếu của hoạt động du lịch thế giới, nếu ngành giáo dục không tạo ra một đường phát triển “song song” với nhu cầu của thực tiễn phát triển thì sẽ tụt hậu, người học sẽ mất đi nhiều cơ hội. Thông qua hệ thống các công ty, văn phòng du lịch quốc tế, thông qua khách quốc tế thường xuyên đông đảo ở Việt Nam, thông qua các tập đoàn du lịch xuyên quốc gia có mặt trên địa bàn, các cơ sở đào tạo phải thiết lập được những đầu mối liên kết đào tào - thực tập - tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ.


Nhân viên tại nhà hàng - khách sạn tiêu chuẩn quốc tế

Đào tạo hướng đến những chuyên gia và nhà quản lý xuyên quốc gia

Vấn đề cuối cùng và là sự tổng hợp của những vấn đề trên, gia nhập toàn cầu hóa ngoài những cơ hội rất lớn cho người lao động là những thách thức của quá trình cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các quốc gia, công ty du lịch trên thế giới. Nước ta có tiềm năng về nguồn nhân lực nhưng trong những năm vừa qua, nguồn nhân lực nước ta đã bắt đầu có sự cạnh tranh với nguồn nhân lực nước ngoài. Khi hội nhập toàn cầu, tất cả các lĩnh vực đều phải mở cửa, kể cả nguồn nhân lực. Trong tương lai gần, cùng với sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, các công ty là dòng lao động có chất lượng cao sẽ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội việc làm. Những vị trí mà lao động nước ngoài có thể cạnh tranh với lao động nước ta là quản lý, các chuyên gia, nhà tư vấn, những vị trí cho thu nhập và hậu đãi cao. Do đó, nếu công tác đào tạo không đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, thì người lao động ngành Du lịch sẽ yếu thế, thậm chí thua ngay trên “sân nhà”. Các cơ sở đào tạo cần được đầu tư về cơ sở vật chất - kỹ thuật, đội ngũ nguồn nhân lực, về chương trình, đặc biệt là về tài chính để có đủ khả năng thay đổi chiến lược đào tạo, huy động được tổng hợp các nguồn lực từ xã hội phục vụ cho công tác đào tạo.

Nguồn: vtr.org.vn