Những năm qua, sự kết hợp giữa du lịch - y tế (DLYT) đã tạo ra nhiều sản phẩm hiệu quả, giúp các địa phương trên cả nước phát triển sự sáng tạo, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tham quan, trải nghiệm theo một hướng đi rất mới.
Niềm vui của bệnh nhân quốc tế khi được chữa trị khỏi bệnh tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng
Xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết đa dạng
Đà Nẵng là thành phố du lịch có tiềm năng lớn, thời gian qua, nhu cầu của khách quốc tế về tham quan nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh, điều trị là rất cao, trong đó khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền (YHCT) là một hình thức “giữ chân” du khách điều trị, lưu trú trong thời gian khá dài. Trong năm 2024, hai cơ sở Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã tiếp nhận 644 bệnh nhân là du khách quốc tế đến khám, 1.122 du khách khám, điều trị ngoại trú (tăng 175,68% so với năm 2023). Đặc biệt tiếp nhận và điều trị nội trú cho 2 du khách đến từ Nga và Đức.
BS.CKII Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết: “Từ nhiều năm qua đơn vị đã đón bắt xu thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe bằng nhiều chương trình hoạt động. Đến với bệnh viện, du khách được thưởng thức các loại trà thuốc, rượu thuốc, món ăn bài thuốc và tận hưởng những giây phút thư giãn bằng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, tác động cột sống, xông hơi, chườm ngải, hỏa long cứu… Đặc biệt là từ năm 2017, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã thành lập đơn vị “Du lịch chữa bệnh” nhằm khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho khách du lịch và người nước ngoài tại Đà Nẵng”.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2024- 2030. Theo kế hoạch này, từ nay đến năm 2030, ngành y tế thành phố phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản: Xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng với 1-2 đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch. Triển khai mô hình điểm tại Bệnh viện YHCT thành phố Đà Nẵng, trong đó xây dựng quần thể cảnh quan đặc biệt có giá trị phục vụ du lịch mang đặc trưng bản sắc y dược học cổ truyền tại Bệnh viện YHCT, như vườn trị liệu theo mô hình Ngũ hành, Hội quán Đông y, Y miếu...
Tại TP.HCM, với sự phát triển ứng dụng công nghệ cao, chuyên sâu trong khám và điều trị, đặc biệt là sự sáng tạo trong xây dựng các chương trình tour kết hợp thăm khám sức khỏe, chữa bệnh với tham quan TP.HCM và các địa phương lân cận… là những chất liệu đa dạng để TP.HCM nỗ lực xây dựng DLYT thật sự trở thành sản phẩm du lịch tiềm năng và đặt mục tiêu mang thương hiệu tầm khu vực vào năm 2030. Từ năm 2023, TP.HCM đã công bố gần 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn và đặc sắc dành cho nhiều phân khúc khách du lịch trung và cao cấp; xúc tiến, quảng bá sản phẩm DLYT để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình DLYT tại Thái Lan...
Mang sản phẩm Á Đông đến gần hơn với khách quốc tế
Với một trong những mục tiêu của Đề án phát triển DLYT là truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y dược cổ truyền Việt Nam, lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện YHCT Đà Nẵng) nhận định, YHCT là văn hóa bản địa đặc sắc, đặc trưng cần phải giữ gìn và phát huy. YHCT hoàn toàn có thể kết hợp với du lịch nếu như có điều kiện thuận lợi. Bệnh viện YHCT có phương pháp mới và có nhiều tiềm năng chữa bệnh như Hỏa long cứu cần khai thác đúng mức để trở thành sản phẩm dịch vụ du lịch hữu hiệu và hấp dẫn.
Dù đã khẳng định được tầm quan trọng và hiệu quả của DLYT, tuy nhiên khó khăn chung của các địa phương vẫn là cần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ, sản phẩm DLYT của TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và có một số bất cập cần cải thiện như thiếu nguồn nhân lực thông thạo các ngôn ngữ về chuyên ngành y tế, công tác quảng bá xúc tiến sản phẩm DLYT chưa chuyên nghiệp, hầu hết các bệnh viện tại thành phố chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Định hướng phát triển ngành y tế TP.HCM đã đề ra 7 nhóm giải pháp đưa TP.Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST tourist nêu ý kiến: “Nên tập trung phát triển hạ tầng và cơ sở phụ trợ tương ứng với quy mô phát triển, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có ngoại ngữ để nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng. Tập trung đào tạo kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ làm du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá thường xuyên xây dựng hình ảnh thương hiệu DLYT. Để khai thác hết lợi thế và từng bước xây dựng DLYT trở thành sản phẩm du đặc thù trong tương lai gần, ngành du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phải đẩy mạnh liên kết thực chất trong đánh giá nhu cầu khách hàng, hạn chế còn tồn tại và đề ra những giải pháp khả thi, vừa tạo hướng đi riêng phù hợp xu hướng nhu cầu của khu vực và thế giới”.
Giám đốc bệnh viện YHCT Đà Nẵng Nguyễn Văn Ánh thông tin, khó khăn trước mắt là việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cao đáp ứng năng lực chuyên sâu YHCT, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, đều đòi hỏi từng bước phải nâng cao mới có thể đáp ứng được các tiêu chí của DLYT.
Để phát triển DLYT, tháng 9/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Huế”. Đề án nhằm mục tiêu đa dạng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe của địa phương; tạo bước đột phá trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, góp phần xây dựng Huế xứng tầm là một trong những trung tâm DLYT lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về du lịch chăm sóc sức khỏe.
Ng.Hà - S.Thùy - H.Hải