Những năm vừa qua, công tác truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư giúp cho ngành Du lịch ngày càng phát triển bền vững. Phân tích thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách phát triển du lịch trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể để phát triển ngành kinh tế động lực này.
Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và mến khách
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm qua, Lâm Đồng đã quan tâm và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến với du khách trong và ngoài nước. Với việc triển khai Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
Nhằm khai thác sức mạnh của truyền thông trong công tác xúc tiến, quảng bá hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, ngành Du lịch Lâm Đồng đã sử dụng có hiệu quả các công cụ truyền thông để truyền tải thông tin đến du khách và người dùng được thuận tiện nhất: Tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch của tỉnh, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên các kênh truyền thông, thông tin, các báo điện tử, cổng thông tin điện tử...
Bên cạnh đó, hàng năm, xuất bản và phát hành miễn phí hơn 20 loại ấn phẩm với số lượng gần 50 ngàn bản ấn phẩm quảng bá du lịch bằng nhiều thứ tiếng; phát hành thông qua nhiều kênh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông quảng bá xúc tiến du lịch trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, của ngành Du lịch và ứng dụng du lịch Dalat City. Phối hợp với trên 30 đoàn làm phim cung cấp thông tin du lịch, hướng dẫn và định hướng xây dựng các video chuyên đề quảng bá về du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng... Qua đó, tạo được ấn tượng tốt đẹp, hấp dẫn đối với công chúng và các hãng lữ hành.
Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đón các đoàn phóng viên báo chí, các công ty lữ hành trong và ngoài nước đến trao đổi thông tin về du lịch, giao lưu văn hóa, thể thao kết hợp với tham quan, khảo sát sản phẩm dịch vụ du lịch; qua đó, đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng đến du khách trong và ngoài nước...
Ngoài ra, việc kết hợp giữa công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch và tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội để thu hút khách đã tạo hiệu ứng tốt, giúp thương hiệu du lịch Lâm Đồng trong những năm qua được khẳng định, củng cố. Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và mến khách, được truyền thông quốc tế quan tâm và đánh giá cao. Năm 2016, Đà Lạt đã được tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn là một trong 52 điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới, Kênh truyền hình CNN - Mỹ bình chọn Đà Lạt là 1 trong 9 địa điểm tuyệt vời của châu Á; năm 2017, thành phố Đà Lạt được cộng đồng quốc tế trao tặng giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ tư”; năm 2019, Đà Lạt - Lâm Đồng được trang web du lịch Touropia.com của Mỹ xếp hạng đứng thứ 5 trong 17 thành phố là điểm đến tốt nhất Việt Nam.
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng phong cách Người Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh sẽ triển khai đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh truyền thông về định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Truyền thông các đề án trọng tâm về du lịch bao gồm Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng đô thị thông minh bàn tỉnh; Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tại TP Đà Lạt. Truyền thông về các chủ trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Đầu tư hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các tiện ích về ứng dụng giao thông thông minh trên địa bàn TP Đà Lạt. Hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường cao tốc, dự án giao thông, dự án du lịch quan trọng của tỉnh.
Cùng đó là truyền thông về cơ chế, chính sách phát triển du lịch như việc thực hiện quy hoạch các khu vực có tiềm năng về du lịch; chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, thương hiệu, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển thương hiệu, khai thác kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng. Công tác cải cách hành chính trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, kinh doanh du lịch.
Truyền thông về phát triển không gian, sản phẩm du lịch, trong đó, địa bàn trọng điểm là khu vực TP Đà Lạt với 2 Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và Đan Kia - Suối Vàng. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch...
Diễm Thương