Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển du lịch; đặc biệt, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã xác định “Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị”. Đây là cơ hội thuận lợi để tỉnh Kon Tum phát huy tiềm năng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tiềm năng về tự nhiên
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở bắc Tây Nguyên, được thành lập lại vào tháng 8 năm 1991; là tỉnh giáp Lào, Campuchia, với đường biên giới dài 292,5 km (giáp Lào 154,2 km, giáp Campuchia 138,3 km) có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh gần 1.000.000ha, trong đó đất nông nghiệp 874.465,27 ha, đất chưa sử dụng 40.907,07 ha. Năm 2021, dân số trung bình trên địa bàn tỉnh khoảng 568.780 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, với 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hre.
Là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Việt Nam (đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40…), nơi có địa danh độc đáo “Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia” và trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương, Kon Tum được xác định là tỉnh có địa bàn vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, KTXH, quốc phòng an ninh và đối ngoại quan trọng của đất nước.
Tiềm năng về văn hóa, lịch sử
Kon Tum với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, cùng với việc phát triển KTXH, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa trở thành truyền thống tốt đẹp, phù hợp với điều kiện mới và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Với hơn 40 thành phần dân tộc cùng chung sống; mỗi dân tộc đều có những nét văn văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng với đầy đủ các loại hình như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian (bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác), trong đó phải kể đến “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”).
Trên địa bàn tỉnh có 27 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích lịch sử, cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (TP. Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen (huyện Kon Plông), di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) hiện đang được tôn tạo, bảo quản giúp nhiều cho du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Nhờ sự nỗ lực của người dân địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và sự quan tâm của lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chứng nhận bảo hộ… Qua đó nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh đã có 148 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó: 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc các bộ sản phẩm rau, củ, quả tươi; chế biến từ gạo, ngũ cốc; chế biến từ thịt, trứng, sữa; các sản phẩm từ trà; đồ uống có cồn; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; đồ uống không cồn khác; thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025; ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thực hiện việc khoán rừng đặc dụng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện việc trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng… góp phần bảo tồn và phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh đảm bảo nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, phát triển du lịch gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Kết quả phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM và các sản phẩm đặc trưng
Trong những năm vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng ở những nơi có tài nguyên du lịch phong phú, lồng ghép triển khai các kế hoạch, chương trình hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển du lịch ở khu vực nông thôn gắn với các sản phẩm đặc trưng.
Xây dựng và hình thành các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị, mà ở cả các vùng nông thôn nhằm tạo sức lan tỏa trong hoạt động du lịch, tạo thuận lợi cho du khách tham quan trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khám phá thiên nhiên Kon Tum; đồng thời chú trọng phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững, cụ thể:
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch giới thiệu các điểm đến du lịch nông thôn thông qua các hoạt động Hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ du lịch, thương mại như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội ”; Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE) định kỳ hàng năm; Định kỳ 2 năm/lần tổ chức Tuần văn hóa - du lịch tại địa phương, trong đó tổ chức các hoạt động đặc sắc như: Lễ hội đường phố, liên hoan ẩm thực truyền thống các dân tộc, liên hoan tạc tượng dân gian… nhằm quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các điểm du lịch tại địa bàn nông thôn của tỉnh, giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc sắc của địa phương.
Tại sự kiện Diễn đàn Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và Triển vọng năm 2022, trong chuỗi sự kiện địa phương đã tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh với tổng số 14 gian hàng với 04 khu vực trưng bày chính, cụ thể: 10 gian hàng về trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố; 02 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; 01 gian hàng giới thiệu văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; 01 gian hàng trưng bày kết nối với các doanh nghiệp du lịch giới thiệu các tour, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Qua hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh đã góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, xúc tiến, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, liên kết sản phẩm, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm văn hóa, điểm du lịch của địa phương, kích hoạt và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...
Trên địa bàn tỉnh, một số điểm du lịch, các tour du lịch thu hút khách du lịch đến khu vực nông thôn của tỉnh đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh phục vụ phát triển du lịch, như: làng văn hóa du lịch Kon K’Tu, xã Đăk RơWa và làng Đăk Lek, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum; Làng Văn hóa du lịch Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông; Làng Văn hóa Du lịch Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Hiện nay đang từng bước hoàn thiện và hình thành các điểm du lịch cộng đồng tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông gắn với tour trải nghiệm khám phá vườn Sâm của người dân của các doanh nghiệp và chinh phục đỉnh Ngọc Linh; tour du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy…; đến đây du khách được trải nghiệm, tham gia các hoạt động văn hóa của người dân địa phương như cùng tham gia đánh Cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức các món ẩm thực dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày tham gia các hoạt động sản xuất thường ngày của người dân….;
Một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương do các doanh nghiệp đầu tư phục vụ khách du lịch của tỉnh đã được hình thành như: Sản phẩm rượu Sim Măng Đen, Sâm Ngọc Linh, sâm dây... Thông qua việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khai thác kinh doanh tại khu vực nông thôn từng bước xác lập uy tín trên thị trường, có nhãn hiệu hàng hóa, bao bì sản phẩm bắt mắt, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương rất phù hợp làm quà biếu, quà tặng mà đối tượng là khách du lịch đặc biệt quan tâm.
Để khơi dậy tiềm năng sẵn có của các địa phương, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP ở Kon Tum được giữ gìn và phát triển, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh tiếp tục chỉ đạo và tăng cường ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại nguồn lợi kinh tế cho các chủ thể, người dân; định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương để có chỉ dẫn địa lý; gắn kết vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng với các loại hình du lịch (du lịch trải nghiệm, sinh thái, sức khỏe, thư giãn…); hình thành vùng chuyên canh sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, nâng cao sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, chế biến tinh; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; thu hút nhà doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP...
Thái Ninh