Cao Bằng: Bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:06/03/2023 17:16:46
Di sản văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho du lịch mỗi địa phương. Khai thác văn hóa dân tộc phục vụ phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa".
 
Hát Then - đàn tính là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được nhiều địa phương bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch
 
Kho tàng văn hóa phong phú
 
Lịch sử, truyền thống và mảnh đất Cao Bằng đã tạo nên một vùng đất nơi đây giàu truyền thống cách mạng, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 95% là người dân tộc thiểu số. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn bó lâu đời và cùng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa đa dạng, vừa thống nhất. Là vùng đất hội tụ nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những di sản văn hóa riêng rất độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc Cao Bằng đa dạng và phong phú.
 
Theo số liệu kiểm kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 214 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 98 di tích đã được xếp hạng các cấp, gồm: 3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh; có 2 bảo vật quốc gia; trên 16.000 đơn vị hiện vật với những chất liệu khác nhau, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình hình thành, phát triển, bản sắc văn hóa các dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương. Năm 2018, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian... toàn tỉnh có 2.000 di sản văn hóa phi vật thể. Hiện, toàn tỉnh có 6 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (Quảng Hòa), nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa), Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa), Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ (Nguyên Bình), Lượn Cọi dân tộc Tày (Bảo Lâm). Đặc biệt, di sản thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng) được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Ngoài ra, ở Cao Bằng còn nổi bật là một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với nhiều lễ hội và phong tục cổ xưa, tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo, đặc biệt có sức hút với du khách gần xa, đó là lợi thế "vàng" để ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh phát triển.
 
Từng bước biến tiềm năng thành hiện thực
 
Những nếp nhà sàn Tày nguyên bản chính là nét nổi bật, mang sức hút đặc biệt đối với du khách, nhất là người nước ngoài khi đến với Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa). Nơi đây là điểm đến trải nghiệm thú vị về cuộc sống người Tày bản địa, tìm hiểu phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt và du khách có thể tham gia các lễ hội truyền thống, hoạt động lao động, sản xuất như đan lát, săn bắn, làm ruộng… cùng người dân. Bản Giuồng còn là điểm đến của lễ hội văn hóa truyền thống, như Lễ hội Nàng Hai, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Chủ tịch UBND xã Tiên Thành Đinh Quang Vũ cho biết: Hồn cốt của đồng bào Tày nơi đây chính là những ngôi nhà sàn, nó không chỉ là nơi ở mà còn là một không gian sinh hoạt tinh thần, chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục lâu đời của người Tày. Vì thế, xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con trong bản cùng bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình bằng cách xây dựng bản thành làng du lịch cộng đồng để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, dã ngoại và trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào. Qua đó, tạo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa, môi trường cảnh quan, bảo đảm phát triển bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch của địa phương, tạo ra điểm nhấn riêng biệt.
 
Cùng với Bản Giuồng, hiện nay, một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư, hoạt động hiệu quả như: Bản du lịch cộng đồng của dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Điểm du lịch cộng đồng Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Hòa); Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); Điểm du lịch cộng đồng Lũng Niếc, Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); Điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình)...
 
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, hằng năm, các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội… gắn với các hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách, đồng thời khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, như: định kỳ tổ chức Hội thi Hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; Liên hoan hát Then, đàn tính; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Lễ mừng cơm mới, Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội Pác Bó... Các lễ hội truyền thống tại các địa phương trong tỉnh được duy trì tổ chức theo các nghi thức truyền thống: Lễ hội Bó Puông, xã Lê Lợi (Thạch An), Lễ hội Lồng tồng xã Hồng Định (Quảng Hòa), Lễ hội Miếu Long Vương, xã Thông Huề (Trùng Khánh)...
 
Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đang góp phần tạo nên những "gam màu sáng" cho bức tranh kinh tế du lịch của tỉnh ta trong thời gian qua. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Cao Bằng đạt 1.102.934 lượt, tăng 165% so với cùng kỳ (đạt 110,3% kế hoạch), trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 16.586 lượt, tăng 1106,3% so với cùng kỳ (đạt 83% kế hoạch); khách du lịch nội địa đạt 1.086.348 lượt, tăng 161,9% so với cùng kỳ (đạt 110,9% kế hoạch). Tổng doanh thu du lịch đạt 622 tỷ đồng, tăng 762,3% so với cùng kỳ (đạt 155,5% kế hoạch).
 
Theo Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa góp phần tạo sức hút để phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Cao Bằng thân thiện, mến khách. Tỉnh đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa - nghệ thuật, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Mặt khác, tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Cao Bằng, quan tâm công tác xúc tiến, quảng bá - liên kết phát triển du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sách, báo giới thiệu về văn hóa, du lịch của tỉnh để quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Minh Hòa
Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn